GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TẤM LÒNG NHÂN ÁI
CHA MẸ CẦN BIẾT
TIẾNG NÓI TRẺ EM
Hội đồng kỷ luật nhận định nguyên nhân gây ra những vết thương trên cơ thể cháu Dương là do 4 cháu cùng lớp đánh bằng cây gậy nhựa dùng để tập thể dục của trẻ, không phải do cô giáo Phạm Thị Hương đánh. Ngay sau khi có kết luận ban đầu này, Trường Mầm non Ngọc Sơn đã họp kiểm điểm và gửi văn bản đề nghị Hội đồng kỷ luật công chức, viên chức huyện xem xét và quyết định các hình thức kỷ luật đối với các giáo viên liên quan.
Sau khi xem xét các tình tiết, xác định nguyên nhân, phân tích, làm rõ các hành vi vi phạm và căn cứ vào các quy định của pháp luật, nội dung kiểm điểm của từng cá nhân, Hội đồng kỷ luật huyện đã quyết định các hình thức kỷ luật đối với hai trường hợp: công chức Dương Thị Thắm, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Sơn chịu hình thức kỷ luật khiển trách; viên chức Nguyễn Thị Trường, Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tuổi khu lẻ thôn Bình Dương chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo. Riêng viên chức Phạm Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tuổi khu lẻ thôn Bình Dương chưa thực hiện nghiêm túc chức trách nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định chuyên môn của ngành không trực trong giờ trẻ ngủ. Tuy nhiên, khi các cháu đang ngủ cô Hương sang lớp 3 tuổi bên cạnh ăn cơm thì các trẻ lớp 5 tuổi do cô Hương phụ trách đều đã ngủ say và không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Do đó, Hội đồng huyện yêu cầu cô giáo Phạm Thị Hương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và lấy đó làm bài học. Hội đồng cũng yêu cầu trường Mầm non Ngọc Sơn xem xét việc đánh giá, xếp loại viên chức Phạm Thị Hương vào cuối năm học theo hình thức phù hợp.
Cùng với việc kỷ luật, kiểm điểm công chức, viên chức liên quan đến việc cháu Lê Thùy Dương bị đánh tại lớp, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo chấn chỉnh việc quản lý vật dụng, đồ dùng học tập, tránh tình trạng để các cháu sử dụng gây nguy hiểm cho bạn khác.
Về lâu dài sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thay đổi chất liệu những cây gậy nhựa cho phù hợp, bảo đảm an toàn cho trẻ. Đồng thời yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, không để tái diễn các vụ việc tương tự trên địa bàn. Các nhà trường cần tăng cường các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em, học sinh.